Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Thông tin chung về huyện Đồng Hỷ

2011-07-01 08:00:00.0

Tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong đầu tư phát triển

- Vị trí địa lý: Đồng Hỷ là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của Tỉnh Thái Nguyên, phía Bắc giáp huyện Võ Nhai, phía Tây giáp huyện Phú Lương, phía Đông giáp tỉnh Bắc Giang, phía Nam giáp thành phố Thái Nguyên và huyện Phú Bình. Toàn huyện có 17 xã và 3 thị trấn.

- Tài nguyên thiên nhiên: Toàn huyện có 26.448 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 14.432,2 ha, rừng trồng 7.146,6 ha. Ngoài ra huyện còn 4.869,2 ha rừng chưa trồng, chủ yếu là đất trống đồi núi trọc.

Tài nguyên khoáng sản: Loại có trữ lượng lớn nhất là cụm mỏ sắt Trại Cau khoảng 20 triệu tấn và mỏ Linh Sơn 1-3 triệu tấn. Ngoài ra còn có nhiều khoáng sản vật liệu xây dựng như: đá xây dựng, đất sét, đá vụn, cát sỏi, đá Carbuat, Dolomit...

- Có hệ thống giao thông đa dạng, 20 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm. 100% số xã, thị trấn trong huyện đã được trang bị điện thoại.

- Tiềm năng du lịch:

Trên địa bàn còn có nhiều di tích lịch sử cách mạng như đền Văn Hán, Hang Dơi, cụm di tích Phượng Hoàng.

Lễ hội có: lễ hội Chùa Hang, Hội Hích, và truyền thống văn hoá các dân tộc tạo thành một quần thể du lịch phong phú.

- Nguồn nhân lực: Tổng số dân toàn huyện là 125.000 người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động chiếm 50,8%

Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển Kinh tế - xã hội huyện Đồng Hỷ 5 năm giai đoạn 2011-2015:

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu tổng quát

Huy động mạnh mẽ các nguồn lực, tăng trưởng kinh tế theo cơ cấu: Công nghiệp - dịch vụ - nông, lâm nghiệp; chuyển dịch theo hướng nâng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng cuộc sống, mức hưởng thụ văn hoá trong nhân dân; đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng, bảo vệ và phát triển huyện Đồng Hỷ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

2.1 Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) hàng năm đạt 13% trở lên. Trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng 17,98%; dịch vụ tăng 12,41%; nông nghiệp tăng 4,1%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2015 của huyện đạt được như sau: Công nghiệp - xây dựng 50,76%; dịch vụ 33,65%; nông, lâm nghiệp 15,59%.

2.2 Sản lượng lương thực đến năm 2015 đạt 39.000 tấn; trồng chè giống mới 350 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 28.500 tấn; giá trị gieo trồng đạt bình quân 85 triệu đồng/ha; đàn trâu 10.000 con, đàn bò 5.000 con.

2.3 Trồng 2.500 ha rừng, độ che phủ rừng đạt 52,5%.

2.4 Thu cân đối ngân sách hàng năm tăng bình quân 20% trở lên (không bao gồm thu cấp quyền sử dụng đất); GDP bình quân đầu người đến năm 2015 là 42,4 triệu đồng/người/năm.

2.5 Giữ vững phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Năm 2015 có trên 50% số xã, thị trấn phổ cập giáo dục bậc trung học và 80% trường học đạt chuẩn quốc gia; 10% trở lên đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

2.6 Giải quyết việc làm mới hàng năm từ 1.800 đến 2.000 lao động. Giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,5% hàng năm.

2.7 Quản lý 100% số người nghiện ma tuý trên địa bàn, giảm 5% người nghiện ma tuý hàng năm. Giữ vững 3 xã không có người nghiện và xây dựng thêm 1 đến 2 xã không có người nghiện ma tuý.

2.8. Giữ vững 18/18 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn 15%; giảm tỷ suất sinh thô hàng năm là 0,15%o.

2.9. Xây dựng thêm 6 trung tâm văn hoá; 80% hộ gia đình đạt gia đình văn hoá; 50% làng, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu làng văn hoá; 95% cơ quan đạt danh hiệu cơ quan văn hoá. Xây dựng 2 đến 3 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

2.10. Đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và công tác quân sự địa phương; hoàn thành 100% các chỉ tiêu đề ra.

II. NHIỆM VỤ VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Về kinh tế:

- Phát triển công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng chất lượng tăng trưởng; khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn. Đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, đồng thời với nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của các thành phần kinh tế. Đổi mới cơ cấu và đa dạng hoá sản phẩm, xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, như: Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, khai thác sản xuất vật liệu xây dựng...

- Nâng cao chất lượng quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; gắn việc thực hiện kế hoạch 2011-2015 với việc triển khai đồng bộ tại địa phương các chương trình, đề án, công trình trọng điểm trên địa bàn đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Xác định rõ mục tiêu nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện, phân cấp thẩm quyền và qui định rõ trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi phòng, ban, ngành, các tổ chức và cá nhân để từ đó xem xét đổi mới tổ chức, lựa chọn cán bộ, bố trí đúng người, đúng việc đảm bảo thực hiện được mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Đôn đốc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng 03 cụm công nghiệp như: Nam Hoà xã Nam Hoà; Quang Sơn xã Quang Sơn và Đại Khai xã Minh Lập.

- Thực hiện quy hoạch xây dựng khu hành chính mới của huyện và phát triển các khu dân cư, khu đô thị tại các khu trung tâm: Thị trấn Trại Cau, xã Quang Sơn, xã Linh Sơn... Triển khai xây dựng thị trấn Chùa Hang thành khu đô thị loại 4.

- Phát triển dịch vụ theo hướng đa dạng và nâng cao chất lượng hoạt động với nhiều thành phần kinh tế tham gia đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình dịch vụ, trong đó tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế, đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu xã hội.

- Phát huy tiềm năng thế mạnh của huyện, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp; Chú trọng chuyển giao kỹ thuật các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, kinh tế trang trại, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung; Triển khai thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn huyện.

- Củng cố, xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, hồ đập thuỷ lợi từ các nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, vốn Nhà nước, Nhân dân đóng góp đối ứng, vốn ngoài nước... phát huy hiệu quả tưới tiêu của hệ thống kênh mương hồ, đập, máy bơm để đảm bảo tưới tiêu hết diện tích cấy lúa, màu, đảm bảo ổn định sản lượng lương thực.

2. Về văn hoá, xã hội:

- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện tốt đổi mới về nội dung, phương pháp dạy và học, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục. Tích cực thực hiện cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục". Giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Xoá dần khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng trong huyện. Tiếp tục tăng cường xây dựng các trường chuẩn Quốc gia; thực hiện kịp thời đạt hiệu quả, đúng kế hoạch về đầu tư xây dựng trường học, nhà công vụ  thuộc chương trình kiên cố hoá trường lớp học, nhà công vụ giai đoạn 2008-2012; từng bước hoàn thiện hệ thống trường, lớp. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động dạy và học trong các nhà trường.

- Phát triển và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác y tế, nâng cao y đức và trình độ của cán bộ y tế. Tăng cường công tác kiểm tra quản lý hành nghề y dược tư nhân, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt chương trình y tế Quốc gia. Chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và chủ động làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn.

- Tiếp tục thực hiện, nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hoá” trên địa bàn toàn huyện; đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hoá cơ sở và môi trường văn hoá lành mạnh. Tạo môi trường lành mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, bài trừ các tệ nạn xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, thông tin về cơ sở, vùng nông thôn miền núi, đồng bào dân tộc.

- Thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, tạo việc làm và tự tạo việc làm cho người lao động. Tập trung phát triển mạnh quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn và nông dân ở những nơi chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ.

- Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, công tác giảm nghèo. Tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thông qua các chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở, đất ở, hạ tầng phục vụ dân sinh. Trích Ngân sách địa phương hỗ trợ và lồng ghép nhiều nguồn vốn thực hiện xây dựng nhà ở theo quyết định 167 để cơ bản xoá nhà dột nát cho các hộ khó khăn.

 - Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu "Diễn biến hoà bình", "Bạo loạn lật đổ" của các thế lực thù địch. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

 


Nguồn: thainguyen.gov.vn
Tác giả: Phòng Biên tập Trị sự



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 944263