Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Thông tin chung về huyện Đồng Hỷ

2021-12-29 00:14:00.0

 

 I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

 1. Vị trí địa lí

Đồng Hỷ là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 5 km về phía Đông Bắc. Địa phận huyện Đồng Hỷ trải dài từ 21032’ đến 21051’độ vĩ  bắc, 105046’ đến 106004’ độ kinh đông. Phía Bắc giáp huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên và huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, phía Nam giáp huyện Phú Bình và thành phố Thái Nguyên, phía Đông giáp huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, phía Tây giáp huyện Phú Lương và thành phố Thái Nguyên. Đồng Hỷ có vị trí thuận lợi nằm sát với thành phố Thái Nguyên, trung tâm chính trị, văn hóa của tỉnh Thái Nguyên.

2. Đặc điểm tự nhiên

- Đồng Hỷ có địa hình phức tạp, chia thành hai vùng rõ rệt: Phía Bắc, Đông Bắc (xã Văn Lăng, Tân Long, Văn Hán, Cây Thị…) là vùng núi thấp, độ cao trung bình 500 - 600m; phía Nam và Tây Nam (xã Hóa Thượng, Nam Hòa, Tân Lợi…) là vùng trung du có địa hình thấp, độ cao trung bình dưới 100m.

- Khí hậu được hình thành từ một nền nhiệt cao của đới chí tuyến và sự thay thế của các hoàn lưu lớn theo mùa, kết hợp với địa hình đã tạo nên khí hậu nóng ẩm, mưa mùa, có mùa đông lạnh và thất thường trong năm.

+ Nhiệt độ trung bình hàng năm 22oC. Vào mùa hè, tiết trời nóng bức, nhiệt độ trung bình từ 25-27oC, mùa đông chịu ảnh hưởng của hơn 20 đợt gió mùa đông bắc, mỗi đợt kéo dài 2-5 ngày, tiết trời giá lạnh, ít mưa, nhiệt độ dao động từ 12-15oC, có năm thấp xuống dưới 10oC, xuất hiện sương muối. Ba tháng nhiệt độ lạnh nhất trong năm là tháng 12, 1, 2 nhiệt độ trung bình dưới 170C.

+ Lượng mưa trung bình năm từ 1500mm đến 2200mm; chế độ mưa chủ yếu phụ thuộc vào hoàn lưu mùa. Mùa mưa trùng với mùa nóng kéo dài từ tháng IV đến tháng X chiếm 85-90% lượng mưa trong năm. Mùa ít mưa trùng với mùa lạnh, từ tháng XI đến tháng III với lượng mưa từ 200-400mm, bằng 10-15% lượng mưa cả năm.

- Thủy văn: Trên địa bàn huyện có hai con sông lớn. Sông Cầu là dòng chảy chính của sông Thái Bình, bắt nguồn từ phía bắc Tam Tao (Chợ Đồn, Bắc Kạn) ở độ cao trên 1200m, qua vùng Bạch Thông, Phú Lương, Võ Nhai. Đến địa phận huyện Đồng Hỷ, sông chảy qua các xã Văn Lăng, Hòa Bình, Minh Lập, Hóa Thượng, qua thành phố Thái Nguyên, huyện Phú Bình, thị xã Phổ Yên sang Bắc Ninh. Sông Cầu có lưu lượng nước lớn, trung bình khoảng 135m3/năm, chế độ nước phù hợp với chế độ mưa. Mùa mưa đồng thời là mùa lũ kéo dài từ tháng V đến tháng X. Mùa kiệt phù hợp với mùa khô, từ tháng XI đến tháng IV. Sông Linh Nham là sông nhỏ, chảy từ Khe Mo, Hóa Trung, hợp lưu với sông Cầu ở thành phố Thái Nguyên.

LỊCH SỬ - TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA

Nhân dân các dân tộc huyện Đồng Hỷ có truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm; dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, đồng bào các dân tộc trong vùng đã từng nhiều lần tham gia các cuộc kháng chiến chống quân phong kiến xâm lược phương Bắc.

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, huyện Đồng Hỷ là địa bàn có nhiều tổ chức cơ sở cách mạng. Trong những năm 1940-1945, cơ sở cách mạng ở các xã Khe Mo, Văn Hán, đặc biệt trạm liên lạc ở xã Cây Thị đã bảo vệ an toàn các đồng chí Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Hoàng Quốc Việt… Mặc dù Quân Pháp nhiều lần tấn công, càn quét vào các xã Cây Thị, Hợp Tiến, Khe Mo, Văn Hán, nhằm cắt đứt đường giao thông liên lạc giữa Trung ương và căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, các cơ sở cách mạng trên địa bàn huyện vẫn không ngừng được mở rộng. Năm 1944, nhân dân xã Cây Thị đã bảo vệ an toàn lớp huấn luyện cán bộ quân sự do Xứ ủy Bắc Kì mở tại địa phương; ủng hộ lớp học nhiều lương thực, thực phẩm góp phần quan trọng vào sự thành công của lớp học. Các tổ chức cơ sở cách mạng và nhân dân vùng Tây Nam huyện Đồng Hỷ đã góp phần cùng Chi bộ Đảng Căng Bá Vân tổ chức thành công, đảm bảo an toàn cho 8 đồng chí đảng viên trong “Căng”, vượt ngục, trở về hoạt động cách mạng.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Thái Nguyên, Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Hỷ đã tích cực xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị kháng chiến:  hàng ngàn thanh niên huyện Đồng Hỷ đã xung phong  lên đường nhập ngũ; đi dân công hỏa tuyến phục vụ các chiến dịch, nhân dân Đồng Hỷ đã đóng góp cho kháng chiến hàng trăm tấn lương thực, hàng chục tấn thực phẩm. Toàn huyện có 13 gia đình được tặng Bằng có công với nước, 24 cán bộ được công nhận là Lão thành cách mạng, 20 người được công nhận là Cán bộ Tiền khởi nghĩa; hai xã Khe Mo và Cây Thị cùng với các xã: Tân Cương, Thịnh Đức, Thịnh Đán (nay thuộc thành phố Thái Nguyên), Bình Sơn (nay thuộc thành phố Sông Công) được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 04/01/2002, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Đồng Hỷ đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định số 09/2003/QĐ-CTN, tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Phát huy truyền thống vẻ vang trong lịch sử, nhất là trong cuộc đấu trang chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện, nhân dân và lực lượng vũ trang  nhân dân huyện Đồng Hỷ không ngừng vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy điều kiện đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng vì sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quân và dân huyện Đồng Hỷ đã khắc phục mọi khó khăn “Thắt lưng, buộc bụng”, thực hiện tốt khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không  thiếu một người”, hàng năm đều hoàn thành nghĩa vụ đóng góp lương thực, thực phẩm cho Nhà nước. Trong số 5.173 con em nhân dân các dân tộc trong huyện lên đường đánh Mỹ, có hơn 1.000 người vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường, được công nhận là liệt sỹ; gần 1.000 người để lại một phần xương máu ngoài mặt trận, được công nhận là thương binh. Ghi nhận đóng góp của quân và dân huyện Đồng Hỷ trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho tập thể quân và dân huyện Đồng Hỷ: 02 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 01 huân Chương Kháng chiến hạng Nhì, 03 Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Ngoài ra, quân và dân huyện Đồng Hỷ còn 19 lần được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị Quyết Thắng”. Đảng và Nhà nước còn tặng thưởng cho cá nhân cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong huyện hơn 3.000 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và hơn 1.000 Huy chương Kháng chiến.

Sau khi hòa bình lập lại, trong niềm vui chung của dân tộc, cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Đồng Hỷ đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao: Tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, tích cực làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn, cùng quân và dân cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

KHÁI QUÁT VỀ DI TÍCH, DANH THẮNG HUYỆN ĐỒNG HỶ

Đồng Hỷ là huyện trung du, miền núi, nằm trên dải đất ven Sông Cầu, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 5km về phía Đông Bắc. Huyện Đồng Hỷ được biết đến với nhiều di sản văn hóa đã được công nhận xếp hạng (08 di sản văn hóa vật thể được công nhận xếp hạng cấp tỉnh, 04 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia); 36 điểm di tích trong danh mục kiểm kê (thắng cảnh Hang Chùa - Suối Tiên, xã Văn Lăng, Căn cứ ATK - QK1, Hang Leo, xã Hóa Thượng.....), cùng với nhiều lễ hội truyền thống.   

I. DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ ĐƯỢC CÔNG NHẬN XẾP HẠNG

Có 8 di sản văn hóa, gồm:

1. Di tích lịch sử - văn hóa Đền Long Giàn, xã Khe Mo

2. Di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Hích, xã Hòa Bình

3. Di tích lịch sử - văn hóa Đình Bảo Nang, xã Tân Lợi

4. Đình lịch sử Vân  Hán, xã Văn Hán

5.  Di tích lịch sử Đình Thịnh Đức, xã Văn Hán

6. Di tích lịch sử Đình Hoá Thượng, xã Hoá Thượng

7. Di tích lịch sử Đình Minh Lý - xã Minh Lập

8. Di tích lịch sử Đình Khe Mo - xã Khe Mo

Xem chi tiết tại đây

II. DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CẤP QUỐC GIA:

Đến nay, huyện Đồng Hỷ có 04 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, gồm: “Nghi lễ Hét khoăn” - Lễ mừng sinh nhật của người Nùng và Hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu (công nhận tại Quyết định số 3465/QĐ-BVHTTDL, ngày 13/10/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), “Nghi lễ cấp sắc của người Nùng” và “Nghệ thuật khèn của người Mông” (công nhận tại Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL, ngày 08/5/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

1. Nghi lễ Hét Khoăn của người Nùng:

“Nghi lễ Hét khoăn” của người Nùng thuộc loại hình tập quán xã hội, được người Nùng ở Đồng Hỷ bảo tồn và duy trì từ nhiều đời nay, hiện còn được thực hành tại các xã: Hoà Bình, Nam Hoà, Văn Lăng, Văn Hán, Tân Long.

Người Nùng ở Đồng Hỷ có phong tục không cúng giỗ người đã khuất, thay vào đó, người Nùng làm lễ mừng sinh nhật khi còn sống nhằm mục đích cầu sức khoẻ, sự may mắn, bình an cho ông bà, cha mẹ.

Nghi lễ Hét Khoăn thường diễn ra từ chiều hôm trước, qua đêm, đến hết ngày hôm sau, tại gian thờ tổ tiên người được mừng sinh nhật. Để thực hiện nghi lễ, chủ nhà phải mời thầy cúng về cầu an, cầu bản mệnh, sức khoẻ cho người được mừng sinh nhật, sau đó cho cả gia đình. Lễ vật cúng gồm có: lợn quay, gà luộc, bánh dày đặt trong các mâm: đón mừng hồn, vía; cầu mong sức khỏe; cúng trên ban thờ tổ tiên, mâm tiền và gạo dùng cho người âm.

Khi thực hiện nghi lễ, thầy cúng không sử dụng sách mà phải học thuộc lòng các bài cúng và thực hiện các nghi thức chính, bao gồm: Nghi thức cúng xin phép tổ tiên: mời tổ tiên chủ nhà về chứng kiến buổi lễ và phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, bình an; Nghi thức cầu sức khỏe, cầu bình an: cầu mong cho hồn yên tâm, vui vẻ mà gắn bó lâu dài với thể xác; Nghi thức đổ thêm nước sinh mệnh: với ý nghĩa bổ sung sinh khí, tinh thần cho ông bà sống thọ, có nhiều phúc lộc; Nghi thức trồng cây mệnh: tượng trưng cho số mệnh của ông bà, mong ông bà mạnh khỏe, tươi tốt như cây rừng; Nghi thức bổ sung lương thực vào bịch gạo mệnh: để gia hạn với Nam Tào, kéo dài tuổi thọ người được mừng sinh nhật. Sau đó, thầy cúng thực hiện nghi thức cúng cầu mong sức khỏe, bình an cho chủ nhà, đồng thời báo cáo với tổ tiên đã tìm thấy hồn vía bị lạc về đúng với chủ, đã đổ đầy giếng nước, trồng được cây tươi tốt, khỏe mạnh, đã đổ đầy bịch gạo mệnh và làm lễ cấp tiền mã cho thiên binh, thiên tướng, cảm ơn họ vì đã giúp thầy cùng gia đình hoàn thành các nghi lễ mừng sinh nhật. Kết thúc nghi lễ, thầy cúng chúc mừng mọi vía đã quy tụ đầy đủ và nhờ ông bà, tổ tiên để mắt trông nom cũng như dặn dò vía không được mải mê đi chơi quên đường về. Đến ngày hôm sau, con cháu, họ hàng, người thân làm cỗ mời làng xóm đến ăn mừng sinh nhật ông bà.

Những đồ dùng khi hành lễ như: chiếc đèn, thúng gạo, cầu... sẽ được thầy cúng đưa lên bàn thờ tổ tiên và dặn dò tổ tiên trông nom, cai quản. Sau 7 hoặc 9 ngày, con cháu sẽ lấy gạo và trứng, nấu cháo cho ông bà ăn để có thêm sức khỏe, sống lâu với con cháu và nấu cơm cho con cháu ăn với mong muốn được khỏe mạnh để chăm sóc ông bà, cha mẹ.

Nghi lễ Hét Khoăn là tập quán lâu đời của người Nùng, không chỉ mang lại niềm vui cho người cao tuổi, mà còn là bài học đạo đức cho thế hệ trẻ về lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ. Đối với người Nùng, đây chính là món quà quý giá nhất của con cháu dành cho ông bà, cha mẹ mình, thể hiện sự kính trọng, hiếu nghĩa của họ với các bậc sinh thành. Cùng với thời gian, nhiều nghi thức trong nghi lễ Hét Khoăn được giản lược cho phù hợp với đời sống hiện đại, song nghi lễ này vẫn được các thế hệ trong gia đình của người Nùng tổ chức thường xuyên và trao truyền cho nhau, thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Trong thời đại ngày nay, Nghi lễ mừng sinh nhật của người Nùng được bảo tồn và phát huy có tác dụng thiết thực trong việc giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với thế hệ trẻ dân tộc Nùng nói riêng và nhân dân các dân tộc Việt Nam nói chung.

2. Hát Soọng Cô của người Sán Dìu:

Hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, được cộng đồng người Sán Dìu huyện Đồng Hỷ gìn giữ, bảo tồn và phát huy, hiện đang được thực hành tại các xã như Nam Hoà, Hoá Thượng, Cây Thị, Tân Lợi. 

Hát Soọng cô là một loại hình xướng ca đặc sắc trong kho tàng văn nghệ  dân gian truyền miệng đã được lưu giữ hàng trăm năm nay của người Sán Dìu. Hát Soọng cô là hát đối đáp trữ tình, giàu tình cảm và đậm đà bản sắc dân tộc. Soọng cô, về hình thức diễn xướng cũng tương tự như sli, lượn của người Tày, Nùng, quan họ, hát ghẹo, hát xoan của người Kinh; với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt được ghi chép bằng chữ Hán cổ hoặc truyền khẩu, tiếng hát thể hiện tâm tư tình cảm của những đôi trai gái đang trong giai đoạn tìm hiểu nhau, nhờ tiếng hát để trải tấm lòng mình, là phương tiện để bộc lộ những tâm ý mà không dám ngỏ lời trực tiếp một cách tinh tế. Không chỉ có vậy, Sọong Cô còn là những lời hát ru đưa con trẻ chìm trong giấc ngủ, là những lời hát để hỏi thăm về gia đình, bạn bè… của những người lâu ngày mới có dịp gặp mặt. Những câu hát Soọng Cô không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hoàn cảnh cũng như môi trường diễn xướng, người ta có thể hát một đêm, nhiều đêm, hát trong nhà, bên bờ suối, khi đi làm nương, hay trong lúc đi chơi làng, trong khi ru con và trong các lễ hội của người Sán Dìu.

Hát Soọng cô đem lại tình yêu, niềm hạnh phúc và mọi nếp sống sinh hoạt đời thường khi đồng bào lên nương, xuống ruộng. Những câu từ, giai điệu tiếng hát được ký thác vào đó với nhiều hình tượng giàu hình ảnh, chất biểu cảm sâu sắc, với lời ví von giản dị, dễ hiểu nhưng giàu sự biểu cảm và dễ rung động lòng người. 

3. Nghệ thuật Khèn của người Mông:

Khèn Mông là một nhạc cụ tiêu biểu, độc đáo và quan trọng đối với đời sống tinh thần của dân tộc Mông. Cây khèn mang ý nghĩa sâu sắc, đó là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là tâm hồn, bản sắc của dân tộc; nó gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, đời sống hàng ngày của đồng bào.  Khèn được thổi lên trong đám tang để tỏ lòng xót thương, luyến tiếc người quá cố; trong vui chơi để thi tài, thể hiện tình yêu đôi lứa và bộc lộ ý chí, nghị lực của người con trai Mông trong sinh hoạt cộng đồng...

Để làm được một chiếc khèn, nghệ nhân chuẩn bị gỗ, ống trúc, dây rừng, một số miếng đồng nhỏ; bầu khèn được làm bằng gỗ cây thông mọc trên núi cao; dây đai làm từ vỏ cây đào rừng,vừa có tác dụng trang trí, vừa giữ cho khèn khỏi bị vỡ, dập trong quá trình sử dụng; ống khèn làm từ cây trúc mọc ở vùng núi cao, có thân thẳng, ống dài, phải phơi đủ độ, không được ẩm, cũng không được quá khô thì tiếng khèn mới hay; một bộ phận quan trọng khác của chiếc khèn Mông là lưỡi gà, nghệ nhân lựa chọn một thanh đồng nhỏ dài khoảng 10cm, đặt trên đe rồi dùng búa tán thật mỏng, mài dũa, rạch đường rãnh để tạo lưỡi gà. Các miếng đồng được lắp vào các ống trúc, mỗi ống trúc có 01 miếng đồng riêng, ống ngắn nhất và to nhất được gắn 2 miếng để đảm bảo độ rung và âm thanh của khèn. Việc tạo lưỡi gà rất quan trọng, độ trầm bổng, vang ngân của tiếng khèn phụ thuộc vào việc chỉnh các lưỡi đồng, mỏng dày thế nào, to nhỏ ra sao; quá trình chế tác chiếc khèn có rất nhiều công đoạn và làm thủ công. Vì vậy, hiện nay mỗi chiếc khèn có giá bán rất cao, từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Người Mông quan niệm: Con gái Mông phải biết may vá, dệt vải và thêu thùa, con trai Mông phải biết thổi khèn và múa khèn. Khèn vừa dùng để thổi, vừa là đạo cụ để múa; múa khèn với các vũ đạo đẹp, dũng mãnh và trữ tình, thể hiện sức sống mãnh liệt của người Mông. Người thổi khèn giỏi phải biết múa khèn, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác để vừa thổi vừa múa; động tác múa khèn rất đa dạng, phong phú, cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc… với tốc độ càng nhanh có nghĩa người múa càng điêu luyện. Vũ điệu và âm thanh hòa quyện với nhau giúp cho người xem được thưởng thức cùng lúc cả hình ảnh uyển chuyển, nhịp nhàng của người múa lẫn âm thanh, tiết tấu đa dạng, biến hóa của tiếng khèn.

Mỗi bài khèn đều có bài hát tương ứng, mang nội dung cụ thể, như thể người chơi dùng tiếng khèn để kể chuyện; tại Đồng Hỷ có nghệ nhân Sùng Văn Sinh, cư trú tại xóm Lân Quan, xã Tân Long là một trong những nghệ nhân có thể kết hợp tài tình giữa thổi khèn và múa khèn, ông đã ba lần giành giải nhất nội dung múa khèn tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Mông huyện Đồng Hỷ các năm: 2012; 2015 và 2018.

4. Nghi lễ cấp sắc của người Nùng:

Đồng bào Nùng tại huyện Đồng Hỷ sinh sống chủ yếu tại các xã: Văn Hán, Tân Long, Hòa Bình. Ngoài Nghi lễ Hét Khoăn, đồng bào Nùng còn bảo tồn được Nghi lễ cấp sắc; với người Nùng nơi đây, chỉ có những người làm nghề thày cúng mới được cấp sắc, trước khi được cấp sắc, người được cấp sắc phải đảm bảo rất nhiều yêu cầu, nhiều tiêu chuẩn khác nhau, phải có đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, khiêm tốn, sống hòa nhã với mọi người. Lễ cấp sắc thông thường có 3 cấp khác nhau, từ thấp lên cao, cấp 1 là cấp thấp nhất, cấp 3 là cấp cao nhất.

Trong lễ cấp sắc, bộ phận quan trọng nhất là bộ phận Tào, thường thì có 4 thày, trong đó có 2 thày chính là thày Bố - Trừ Cai và thày mẹ - Xìn Tồ, tiết mục quan trọng nhất trong lễ cấp sắc là lễ xin con hương, nghi lễ này thường bắt đầu vào giờ Sửu, lúc nửa đêm.

Thày bố làm nhiệm vụ đứng giữa cắt tấm vải trắng ấy, việc làm đó thể hiện sự vất vả và khó nhọc như người mẹ sinh ra con, tấm vải trắng được cắt dần trong tiếng chiêng trống và sự quan sát ủng hộ của những người thân và làng xóm đến xem.  Khi tấm vải được cắt đứt, thày mẹ và con hương nằm xuống sàn, thày Bố lấy chăn phủ lên người con hương như một động tác đón nhận và che chở cho đứa con mới được sinh ra, sau đó các thày đi xung quang con hương đọc lời cúng ma cho con hương, một mâm bánh trôi được mang đến, thày Mẹ gắp bánh trôi cho đứa con vừa mới được sinh ra. Thày Bố, thày Mẹ cùng một thày phụ cho thày Bố đứng ra chải đầu, cắt tóc cho con hương, sau đó 3 thày lấy kim châm vào đầu con hương như để dặn dò, dạy bảo cho con hương thông suốt mọi việc.

Lễ cấp sắc thực chất là một cuộc đại diễn xướng bởi nó tập trung khá nhiều  hình thức nghệ thuật biểu diễn như hát, khí cụ, sân khấu nhập đồng, trò diễn; sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố trên đã tạo nên sức hấp dẫn của Lễ cấp sắc của người Nùng nói chung cũng như tại huyện Đồng Hỷ nói riêng.

Địa chỉ: Xóm Sơn Quang, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên

Email: ubnddonghy@thainguyen.gov.vn - Điện thoại: 0208.3820.129 - Fax: 02803.827.212

Website http://donghy.thainguyen.gov.vn

Phòng BT-TS
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 944029